Thursday

Kháng thư số 18
của Khối 8406

Phản đối nhà cầm quyền CS Trung Quốc cướp nước
và nhà cầm quyền CS Việt Nam bán nước

Việt Nam, ngày 20 tháng 12 năm 2007

Kính thưa toàn thể Đồng bào VN trong và ngoài nước cùng các Thân hữu quốc tế,

Những diễn biến trong thời gian gần đây tại Việt Nam, kể từ vụ việc Trung Quốc công bố quyết định sáp nhập hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vào huyện Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam của Trung Quốc hôm 02-12-2007, đã cho nhân dân VN và Quốc tế hiểu rõ hơn bản chất của hai đảng và hai nhà cầm quyền Cộng sản này qua nhiều sự kiện lịch sử:

I- Những văn kiện chiếm dần của Trung Quốc

- Ngày 4-9-1958, chính phủ Trung Quốc ra Tuyên bố xác định “Bề rộng lãnh hải của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc là 12 hải lý” bao gồm trong đó hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

- Ngày 14-9-1958, ông Hồ Chí Minh ra lệnh cho ông Phạm Văn Đồng (thủ tướng VN Dân chủ Cộng hòa) gửi ông Chu Ân Lai (tổng lý quốc vụ viện CHNDTQ) bức Công hàm tán thành Tuyên bố trên.

- Ngày 30-12-1999, Hiệp định biên giới Việt-Trung được đảng CSVN bí mật ký kết đã làm VN mất hơn 700 km2 đất liền (lớn hơn diện tích của Singapore chỉ có 647 km2).

- Ngày 25-12-2000, Hiệp định lãnh hải Việt-Trung cũng được đảng CSVN bí mật ký kết đã làm VN mất thêm khoảng 10.000 km2 biển. Nếu so với Hiệp định Patenôtre mà Pháp ký với nhà Thanh năm 1885 thì VN mất 9% diện tích biển Đông (VN/TQ = 62/38% xưa, so với 53/47% nay).

II- Những hành động leo thang của Trung Quốc

- Ngày 19-1-1974, hải quân Trung Quốc đã dùng nhiều chiến hạm và phi cơ cưỡng chiếm toàn bộ Hoàng Sa. Trong trận hải chiến lịch sử không cân sức này, 58 binh sĩ Quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã ngã xuống. Hoàng Sa từ ấy rơi vào tay Trung Quốc.

- Từ ngày 17-2 đến 26-3-1979, Trung Quốc tấn công 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam khiến cho hàng chục ngàn người Việt bị thương vong. Sau khi triệt thoái, Trung Quốc đã nới rộng biên giới ở những cao điểm chiến lược và một số khu vực có giá trị chiến thuật cao.

- Ngày 14-3-1988, hải quân Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Trường Sa, bắn chìm ba tàu vận tải và giết chết 74 chiến sĩ của Quân đội Nhân dân VN. Một số đảo ở Trường Sa rơi vào tay Trung Quốc.

- Ngày 8-1-2005, hải quân Trung Quốc bắn vào tàu đánh cá của một số ngư dân Thanh Hóa, giết chết 9 người và bắt 8 người. Ngày 28-02-2007, 12 ngư dân Quảng Ngãi đang khi đánh cá gần Hoàng Sa đã bị Trung Quốc bắt giữ đòi tiền chuộc mạng. Ngày 27-06-2007, 13 ngư dân Quảng Ngãi khác đến tránh bão cũng gần Hoàng Sa đã bị Trung Quốc bắn gây thương tích và cướp luôn tàu. Gần đây nhất, ngày 9-07-2007 TQ lại bắn vào thuyền đánh cá của họ gần Trường Sa, khiến một ngư dân bị giết và nhiều người bị thương.

- Tháng 04-2007, Trung Quốc lên tiếng phản đối Việt Nam vi phạm chủ quyền của họ khi ký hiệp đồng khai thác dầu và khí đốt với công ty British Petroleum ở vùng biển quanh đảo Trường Sa thuộc biển Nam Hải, khiến BP phải rút đi. TQ còn phản đối công ty BP đặt ống dẫn khí đốt từ Côn Sơn vào đất liền và buộc BP từ bỏ dự án đã ký với VN.

- Ngày 10-8-2007: Trung Quốc đã quyết định sẽ mở tour du lịch ở hai vùng đảo Trường Sa và Hoàng Sa, một hình thức công khai tiếm dụng lãnh thổ Việt Nam.

Theo một thống kê tìm thấy được thì vào thời điểm tháng 4-1975, có 102 đảo nhỏ thuộc Trường Sa & Hoàng Sa do VNCH quản lý. Năm 1988, còn lại 90 đảo, và đến năm 2007 chỉ còn 21 đảo thuộc chủ quyền VN. Các đảo còn lại đang có khuynh hướng bị Trung Quốc chiếm dần.

III- Những phản ứng bạc nhược của nhà cầm quyền CSVN:

- Sau lời Tuyên bố của Trung Quốc ngày 4-9-1958, nhà cầm quyền CSVN đã gian trá dâng cho Trung Quốc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vốn thuộc Việt Nam Cộng Hòa chiếu theo Hiệp định Genève 1954.

- Tháng 02-1972, Cục bản đồ trực thuộc phủ thủ tướng CSVN đã phổ biến một ấn bản họa đồ thế giới, trên đó tên Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam bị thay bằng tên Tây Sa và Nam Sa của Trung Quốc. Rồi từ đó, trong các sách giáo khoa môn Ðịa lý do nhà nước in, CSVN đã viết rằng “các hòn đảo từ quần đảo Nam Sa, Tây Sa, qua Hải Nam, Ðài Loan, là một bức trường thành bảo vệ Trung Quốc”.

- Năm 1974, khi TQ tấn công hải quân VNCH năm 1974 để chiếm trọn vẹn quần đảo Hoàng Sa, CSVN đã hoàn toàn im lặng, sau đó lại còn cấm phổ biến các công trình nghiên cứu về chủ quyền VN trên hai quần đảo này của nhiều tác giả trong nước.

- Trước khi ký với TQ hai hiệp định về biên giới và lãnh hải năm 1999 rồi 2000, nhà cầm quyền CSVN đã không tham vấn nhân dân lẫn quốc hội, sau đó lại chẳng dám công bố toàn văn hai tài liệu, thậm chí còn đàn áp những ai lên tiếng vạch trần sự thật hay đòi hỏi được biết sự thật về hai hiệp định bất bình đẳng này.

- Từ năm 2005 đến nay, nhà cầm quyền CSVN luôn im lặng chẳng dám phản kháng việc hải quân Trung Quốc ngăn chận, bắt giữ, đòi tiền chuộc mạng, tịch thu tài sản hay thậm chí bắn chết ngư dân VN hành nghề trên lãnh hải Việt Nam.

- Gần đây nhất, sau khi Trung Quốc đã công khai và chính thức hóa hành động lén lút bán Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc của CSVN bằng việc công bố quyết định sáp nhập hai quần đảo này của Việt Nam vào huyện Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam của Trung Quốc vào ngày 02-12-2007, thì chỉ có những tuyên bố yếu ớt của Lê Dũng, phát ngôn nhân Bộ ngoại giao nhà nước CSVN, thay vì sự lên tiếng của thủ tướng, chủ tịch nước hay chủ tịch quốc hội CSVN, thay vì phải triệu đại sứ TQ tại Hà Nội đến để trao công hàm phản đối, thay vì phải cấp tốc đưa vấn đề ra tòa án quốc tế, ra Liên Hiệp Quốc.

- Đến ngày 09 rồi 16-12-2007, nhiều sinh viên, dân oan, nhà báo, trí thức, văn nghệ sĩ tại Sài Gòn và Hà Nội đồng loạt biểu tình phản đối hành động trên của Trung Quốc xâm lược, thì Công an đủ mọi loại, Giám hiệu đủ mọi trường và Lãnh đạo Đoàn Thanh niên CS đủ mọi cấp đã tìm cách trước là ngăn cấm, hăm dọa, cho rằng đó là “âm mưu của các thế lực phản động” “trái với pháp luật VN”, sau là cản trở, đàn áp, bắt bớ, thẩm vấn, đuổi việc. Thậm chí Bộ ngoại giao còn trắng trợn tuyên bố: “Đây là việc làm tự phát chưa được phép của các cơ quan chức năng Việt Nam”.

- Ngày 11-12-2007, bộ ngoại giao Trung Quốc răn đe nhà cầm quyền CSVN rằng các cuộc biểu tình 09-12-07 tại Việt Nam “có hại đến quan hệ hữu nghị giữa hai nước Trung Việt” rồi ngạo mạn tuyên bố: “Trung Quốc đang quan chú cao độ và hy vọng chính phủ Việt Nam có thái độ đầy trách nhiệm, làm những hành động thiết thực, ngăn chặn những diễn tiến, để tránh tổn hại quan hệ giữa hai nước”. Thế mà CSVN vẫn không dám hé răng phản đối một lời.

IV- Nhận định của Khối 8406 chúng tôi

1- Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam: quá khứ đã vậy, hiện tại và tương lai muôn đời vẫn vậy! Dân tộc VN không bao giờ chấp nhận những Tuyên bố & Công hàm, Thỏa ước & Hiệp định cướp nước & bán nước nêu trên. Một trong những việc làm đầu tiên của Quốc hội VN mới, với nền dân chủ mới có tính đa nguyên, đa đảng trong tương lai, sẽ là tuyên bố hủy bỏ những văn kiện pháp lý sai trái này.

2- Ngày nay dân tộc VN ta hoàn toàn có thể tự mình gìn giữ trọn vẹn giang sơn gấm vóc mà cha ông đã bỏ bao mồ hôi, xương máu dựng xây và để lại tự ngàn đời. Những chiến thắng Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa,… là những bằng chứng hùng hồn biện minh cho nhận định ấy. Ngoài ra, dân tộc ta hôm nay còn có những điều kiện quốc tế thuận lợi hơn nhiều so với thời cha ông xưa trong việc giữ gìn vùng đất, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc thông qua những giải pháp chính trị mà chưa cần phải tính đến giải pháp quân sự.

3- Dân tộc mất đất, mất biển về tay TQ là vì đã và đang bị dẫn dắt bởi một chính đảng, một nhà nước độc tài, phản dân tộc và phản dân chủ. Một đàng họ luôn đặt quyền lợi của tập đoàn cầm quyền lên trên quyền lợi của dân tộc. Đàng khác, họ lại chẳng biết, chẳng dám, chẳng thể dựa vào lòng dân và sức dân, vì nhân dân đã chẳng bao giờ trao ban và công nhận quyền lực của họ. Tội lỗi này của họ, nói như đức thánh Trần Hưng Đạo đã viết trong bài “Hịch tướng sỹ” là: “Nghìn năm sau tiếng dơ khôn rửa, tên xấu còn lưu”! Luận điệu cho rằng “Quyền lợi của Đảng gắn liền với quyền lợi của dân tộc” và “Nhân dân luôn đứng sau lưng Đảng” là một luận điệu ngụy biện, giả trá.

4- TQ chỉ hành động khi biết chắc VN không có những đồng minh mạnh hậu thuẫn hay chỉ có một tập đoàn lãnh đạo bạc nhược. Bằng chứng là Lời Tuyên bố về bề rộng lãnh hải TQ tháng 9-1958 được đưa ra khi CSVN đang khiếp sợ Mao và cần TQ chi viện hoàn toàn để đánh miền Nam; hành động chiếm Hoàng Sa tháng 1-1974 xảy ra sau khi Hiệp định Paris về VN được ký một năm (1-1973) và lúc ấy quân đội Mỹ đã rút khỏi nước; hành động đánh Trường Sa tháng 4-1988 xảy ra khi Liên Xô cũ đang tích cực thực hiện lộ trình do Tổng bí thư Mikhail Gorbachev vạch ra từ năm 1986 nhằm giảm gánh nặng của những “nghĩa vụ quốc tế vô sản”, trong đó có VN…

V- Tuyên bố của Khối 8406 chúng tôi:

1- Thành kính biểu dương và tri ân sự hy sinh vì Tổ quốc của các chiến sĩ Việt Nam đã bảo vệ Hoàng Sa tháng 1-1974 và bảo vệ Trường Sa tháng 3-1988. Dẫu thuộc về hai chế độ khác nhau, đây vẫn là các anh hùng dân tộc và họ cần phải được dựng bia tưởng niệm, ghi công sử sách.

2- Nhiệt liệt ca ngợi lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm đối với tổ quốc và tinh thần bất khuất của đồng bào, học sinh, sinh viên, dân oan, trí thức, văn nghệ sỹ… đã biểu tình trước Tòa Đại sứ và Tòa Lãnh sự Trung Quốc tại Hà Nội và Sài Gòn hai ngày chủ nhật 9 và 16-12-2007 vừa qua để trực tiếp lên án hành vi cướp nước của Cộng sản Trung Quốc và gián tiếp lên án hành vi bán nước của Cộng Sản Việt Nam.

3- Mạnh mẽ tố cáo những hành động của nhà cầm quyền CSVN trong quá khứ là gian trá bán đất, lén lút dâng biển, khiếp nhược trước kẻ thù, thỏa hiệp với ngoại xâm; trong hiện tại là ngăn cản, hăm dọa, bao vây, bắt bớ những công dân bày tỏ lòng yêu nước, là đầu độc tâm trí, giấu nhẹm sự việc, xuyên tạc ý nghĩa khiến lòng yêu nước của đại đa số nhân dân không được bày tỏ. Nhà cầm CSVN phải chấm dứt ngay những hành động đó, những hành động xuất phát từ mối lo sợ nhân dân trong nước ngày càng biết rõ “sự nghiệp bán nước” của họ, lo sợ sự đoàn kết ngày càng phát triển của đồng bào quốc nội và hải ngoại, lo sợ cuộc xuống đường đòi đất biển cho Tổ quốc hôm nay sẽ biến thành cuộc xuống đường vĩ đại đòi lại tự do dân chủ cho Dân tộc ngày mai.

4- Khẩn cấp đòi buộc nhà cầm quyền CSVN phải công bố đầy đủ những văn kiện và sự kiện nói trên qua các phương tiện thông tin đại chúng cho nhân dân biết, phải hủy bỏ những hiệp định 2 nhà nước CS đã ký kết với nhau, đồng thời lấy lại và tôn trọng Hiệp định Patenôtre giữa chính phủ Pháp với triều đình Thanh năm 1885. Yêu cầu Quốc hội nước CHXHCNVN họp khẩn để ra Nghị quyết tố cáo bản chất xâm lược của nhà cầm quyền CS Trung Quốc đối với 2 quần đảo Hoàng Sa & Trường Sa và bản chất bán nước của đảng CSVN. Nhắc nhở quân đội và công an hãy đứng về phía nhân dân để bảo vệ Tổ quốc.

5- Tha thiết mời gọi đồng bào Việt Nam cả trong lẫn ngoài nước phát huy hơn nữa tinh thần yêu nước, tiếp tục tổ chức những cuộc biểu tình ôn hòa, bất bạo động nhưng rất kiên quyết & bền bỉ tại các Tòa đại sứ, lãnh sự TQ và VN trên khắp thế giới để bảo toàn đất tổ; vận động quốc tế ủng hộ quyền lợi hợp pháp và chính nghĩa cao quý của dân tộc; phổ biến những tài liệu lịch sử đích thực về Hoàng Sa Trường Sa cho đồng bào, nhất là quốc nội; tẩy chay hàng hóa, dịch vụ của Trung Quốc cũng như Thế vận hội Bắc Kinh 2008.

6- Thành khẩn kêu gọi sự ủng hộ của thế giới tiến bộ, cơ quan Liên Hiệp Quốc, của các chính phủ dân chủ, các tổ chức nhân quyền, các sử gia chân chính… Đề nghị Quý vị mở 1 Hội nghị quốc tế về biển Đông do LHQ đứng ra tổ chức để giải quyết tranh chấp xung đột theo luật pháp và thông lệ quốc tế hiện hành.

Cuối cùng, nhân dịp Giáng sinh và Năm mới, Khối 8406 chúng tôi xin chân thành mừng lễ, chúc tết cũng như tri ân, cảm tạ đồng bào trong ngoài nước và bạn bè quốc tế đã ủng hộ Khối 8406 chúng tôi trong thời gian qua.

Làm tại Việt Nam ngày 20-12-2007

Ban Đại diện lâm thời Khối 8406 :

1- Kỹ sư Đỗ Nam Hải, Sài Gòn
2- Giáo sư Nguyễn Chính Kết, Sài Gòn (đang vận động tại hải ngoại)
3- Cựu Sĩ quan Trần Anh Kim, Thái Bình
4- Linh mục Phan Văn Lợi, Huế
5- Văn sĩ Nguyễn Xuân Nghĩa, Hải Phòng.

TRỞ VỀ
TRANG ĐẦU TIÊN



______________________________________________________